Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Người tính không bằng ... quỹ tính!

1. Người tính không bằng... quỹ tính.
Sau khi bất ngờ công bố loại BID khỏi danh mục vào chiều tối ngày hôm qua, Viet Nam Market Vector đã khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ một phen ngậm đắng nuốt cay vì mới "chót" đua trần BID. Lý do vi phạm tỷ lệ freefloat được đưa ra, mà nguyên nhân sâu xa là do "tính toán nhầm". Theo cách tính này, giới đầu tư một lần nữa e ngại, chính FTSE cũng sẽ sớm loại BID. Nhà đầu tư lỡ mua BID phiên trước như ngồi trên chảo lửa, khi toàn phiên số lượng BID được khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 130 ngàn cổ phiếu - so với số lượng dư bán sàn có lúc gần 12 triệu cổ phiếu.

Cuối ngày, FTSE cũng nhanh chóng công bố tiếp tục loại BID ra khỏi danh mục. Chưa một kỳ review nào lại gay cấn và hồi hộp đến thế. Từ một cổ phiếu được cả hai quỹ "săn đón" với lượng mua vào trên 40 triệu đơn vị, trở thành "tội đồ" thâm hụt tài sản trong mắt vô số nhà đầu tư liều lĩnh đua trần.

Việc đầu cơ lướt sóng dựa vào mua - bán của các quỹ trong ngắn hạn có thể mang lại một khoản lợi nhuận lớn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như BID trong kỳ review vừa qua là một ví dụ đáng nhớ. Sau sự việc này, ở các kỳ review tiếp theo, có lẽ nếu có cổ phiếu nào được mua vào với khối lượng 3 - 4 chục triệu thì nhà đầu tư cá nhân cũng sẽ e dè đòn đau ngày hôm nay.

2. FED có nâng lãi suất hay không?

Đây có lẽ là thời điểm nhạy cảm nhất của thị trường, khi vừa nín thở chờ đợi kết quả cuộc họp của FED, vừa nghe ngóng động thái review của 2 quỹ. Thị trường thu về trạng thái thận trọng một cách đáng sợ, khi thanh khoản sụt giảm về mức 1200 tỷ giao dịch/phiên. Và, gần như đã là nhà đầu tư chứng khoán, giai đoạn này gặp nhau chào hỏi đôi ba câu, sẽ lại quay lại chủ đề "FED có tăng lãi suất không?" -  "Nếu nó tăng thì sao?". Bài viết này chia sẻ một góc nhìn rất cá nhân của người viết - về những gì đang xảy ra.

Không bàn thêm về các điều kiện để FED đưa ra quyết định tăng lãi suất (vì các báo đã phân tích quá nhiều), hãy bàn về tác động của nó - khiến nhà đầu tư đang lo sợ. Việc một Ngân Hàng Trung Ương thực hiện tăng lãi suất (cơ bản), có nghĩa là, họ đang thi hành một chính sách tiền tệ thắt chặt. Với mỗi nền kinh tế, tại các thời kỳ khác nhau, đối sách này có những mục đích khác nhau. Thông thường là kềm chế lạm phát. Tuy nhiên, với Mỹ, có vẻ không phải là mục tiêu này, khi mà quốc gia này vẫn chưa đạt được "lạm phát mục tiêu". Đây là một trong những lý do khiến FED có thể cân nhắc trì hoãn việc nâng lãi suất.

Trên lý thuyết, việc tăng lãi suất, sẽ rút bớt lượng tiền ngoài lưu thông => tiêu dùng giảm => giá cả hàng hóa giảm => lạm phát giảm. Nhưng thực tế, việc tăng lãi suất cũng có thể khiến các doanh nghiệp (mới phục hồi chấn thương sau khủng hoảng) rơi vào trạng thái bấp bênh khi không giữ được biên lợi nhuận đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh. Ví dụ, với chi phí đi vay khoảng 11%, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này sau thời kỳ khủng hoảng cũng chỉ ở quanh mức 11%, rõ ràng việc cân nhắc tiếp tục hoạt động hay từ bỏ ngành sẽ được đưa ra. Khi một lượng doanh nghiệp từ bỏ nền kinh tế, trong ngắn hạn có thể khiến hàng hóa trở lên khan hiếm -> áp lực nhập khẩu hàng hóa nước ngoài -> lạm phát tăng. Những doanh nghiệp còn lại, mặc dù đảm bảo được biên lợi nhận, song vì chi phí vốn tăng cao, sẽ đẩy giá bán cao lên. Như vậy, về mặt vĩ mô, việc tăng lãi suất hoàn toàn có thể khiến lạm phát tăng lên, thay vì giảm đi. Lãi suất cao cũng tiềm ẩn rủi ro gia tăng các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nhiều khả năng, câu chuyện cân đo đong đếm trong cuộc họp của FED cũng xoay quanh một trong các vấn đề này, để đảm bảo hướng tới lạm phát mục tiêu.

Tác động đối với nền kinh tế toàn cầu: USD vẫn là một đồng tiền mạnh. Việc lãi suất tăng lên sẽ chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ (được thực hiện từ 2008) làm cho đồng USD mạnh lên tương đối trong các rổ tiền tệ. Vô hình chung làm cho một lượng vốn lớn đang tập trung tại các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế "biên" (trong đó có Việt Nam) bị rút đi để quay lại đầu tư vào USD, hoặc - gửi tiết kiệm tại chính quốc gia này. Cũng để phòng tránh rủi ro khi đồng vốn đầu tư ra ngoài bị giảm đi tương đối, nếu quy đổi lại USD. Đây là vấn đề lớn nhất mà nhà đầu tư quan tâm - ở thời điểm hiện tại, cùng với chùm "bong bóng Trung Hoa". Cho nên, người người - nhà nhà đều nín thở chờ đợi kết quả cuộc họp vào rạng sáng ngày 18/09 tới đây.

Thị trường Việt Nam vẫn là một thị trường mang nặng tính tâm lý. Nếu FED tăng lãi suất, nhiều khả năng sẽ diễn ra một cơn bán tháo nhanh chóng, thái quá - bất chấp những tính toán về mặt kinh tế học. Ngược lãi, nếu việc tăng lãi suất được trì hoãn đến kỳ họp sau, những người đang đứng ngoài chờ đợi sẽ lập tức nhảy vào thị trường, tranh thủ mua mua - bán bán trong quãng thời gian đợi cuộc họp tiếp theo. Theo khảo sát của Bloonberg, tỷ lệ cược FED tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 chỉ khoảng 28%. Nhưng, dù FED có tăng lãi suất hay không, thì một điều cần phải nhớ, mọi chính sách tiền tệ đều có độ trễ (thường là 5 - 6 tháng). Có nghĩa, dù tác động tích cực hay tiêu cực, cũng cần thời gian để thẩm thấu. Nhà đầu tư không nên nóng vội để đưa ngay những quyết sách tức thời, hùa theo tâm lý đám đông.

Qua ví dụ trên đây, có thể thấy rằng, những tác động của các chính sách, trên thực tế, không hề như lý thuyết. Việc suy đoán, lượng hóa mức độ ảnh hưởng của nó, về cơ bản là khó chính xác. Do vậy, nếu đã không thể suy đoán chính xác những gì SẼ xảy ra, ta hãy chỉ cần quan tâm và biết chính xác chuyện gì ĐANG xảy ra.

3. Hành động.

Trong suốt các email đã gửi gần đây, sau khi VN-Index xác nhận "sống trong downtrend" đều nêu rõ quan điểm giao dịch thận trọng - không đoán đáy - không bắt đáy. Việc trading T+ chỉ nên được thực hiện với những cổ phiếu có nền tảng cơ bản, có thông tin hỗ trợ và nhà đầu tư đã quen với việc nắm bắt giao dịch của cổ phiếu. Trong trường hợp tốt nhất, hãy nên đứng ngoài thị trường, hạn chế giao dịch, cho đến khi thanh khoản thị trường quay lại các phiên 2000 - 3000 tỷ, một cách đều đặn.

2015 là một năm khó khăn với hầu hết các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư tổ chức. Là một năm "nhốt" nhiều nhất những trader tuân thủ TA khi ranh giới giữa kháng cự - hỗ trợ, bull trap - breakout trở nên "nhập nhèm". Là năm đen tối của các cổ phiếu bán giấy lấy tiền, khi các đại diện lớn của "ngành" (có lẽ nên xếp nhóm này vào một "ngành" chuyên phát hành, bán giấy riêng) như KLF, FLC, FIT, TSC, ... đều liên tiếp lập đáy mới. KLF từ 12 về giá 4.5, FLC từ 11 về 6. FIT từ 17 về 9...

Giai đoạn hiện tại, cá nhân chỉ tin tưởng vào các cổ phiếu mà bản thân đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, cũng như hiểu tương đối rõ ràng bản chất hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể thấy nhóm cổ phiếu này (VCS, SKG, PLC, BMP, DQC, VSC, ...) trải qua "khủng hoảng" đều dần quay trở lại vùng đỉnh cũ. Ngoài ra, cân nhắc các đại diện HCM, SSI, HPG, NDN, CII cho sóng tới đây.